Phân loại học Người hiện đại châu Âu sơ khai

Phỏng dựng bán thân mẫu Cro-Magnon 1 già lão vào năm 1916

Người EEMH thường được gọi là "người Cro-Magnon" trong các tài liệu chuyên ngành lịch sử cho tới những năm 1990 khi mà thuật ngữ "người hiện đại về mặt giải phẫu" trở nên phổ biến hơn.[23] Danh ngữ "Cro-Magnon" bắt nguồn từ 5 bộ cốt được phát hiện bởi nhà cổ sinh học người Pháp Louis Lartet vào năm 1868 tại Mái đá Cro-Magnon, Les Eyzies, Dordogne, Pháp, sau khi khu vực này được phát lộ trong quá trình thi công trạm xe lửa.[24] Các hóa thạch và di vật từ thời đá cũ thực chất đã được biết đến từ hàng thập kỷ trước, song chúng lại được giới khoa học Tây phương bấy giờ diễn giải theo mô hình tạo hóa (vì quan niệm tiến hóa chưa được hiểu rõ). Chẳng hạn, mẫu vật Aurignac có biệt danh Red Lady of Paviland (thực chất là nam giới) từ Nam Wales từng được nhà địa chất học Reverend William Buckland hồi năm 1822 nhận dạng nhầm là một công dân của Anh thuộc La Mã. Các tác giả hậu thế thì tranh luận về vấn đề liệu bộ xương có phải là bằng chứng của người tiền-hồng thủy ở Anh, hay là nó đã bị cuốn trôi khỏi vùng định cư bởi một trận lũ lớn. Buckland cho rằng mẫu vật này là nữ giới bởi vì nó được chôn cùng các đồ tùy táng như vỏ sò, các cây gậy và vòng làm từ ngà, và một cái xiên làm từ xương chó sói; ngoài ra còn khẳng định (dường như chỉ mang tính chất cợt nhảm) đống trang sức là bằng chứng về thuật phù thủy. Phong trào đồng nhất luận lúc bấy giờ đang ngày càng được chấp thuận bởi đông đảo các nhà địa chất học, dẫn đầu bởi Charles Lyell; theo đó lập luận rằng các chất liệu hóa thạch có thể còn lâu đời hơn những gì được ghi trong Kinh Thánh.[25]

Sau khi trước tác Nguồn gốc các loài của Charles Darwin được xuất bản vào năm 1859, các nhà nghiên cứu chủng tộc bắt đầu phân chia nhân loại thành các cận loài hoặc cận chủng giả định, dựa trên các chỉ số không đáng tin cậy và ngụy khoa học lấy từ các ngành nhân trắc học, tướng mạo học, và não tướng học, cho tới tận thế kỷ thứ 20.[26]:93–96 Đây có thể coi là sự tiếp nối của công trình Systema Naturae (1735) do Carl Linnaeus khởi xướng, trong đó ông trình bày mô hình phân loại sinh vật như ta đã biết ngày nay. Theo đó, con người được định danh là Homo sapiens, kèm theo các cận loài phỏng đoán dựa trên các định nghĩa về hành vi mang tính phân biệt chủng tộc (tuân theo các khái niệm của học thuyết chủng tộc lịch sử): "H. s. europaeus" (người gốc Âu, chi phối bởi pháp quyền), "H. s. afer" (người gốc Phi, bốc đồng), "H. s. asiaticus" (người gốc Á, thiển kiến), và "H. s. americanus" (người bản địa châu Mỹ, phong tục tập quán).[27] Hệ thống phân loại chủng tộc được áp dụng rộng ra cho các mẫu hóa thạch, bao trọn cả người EEMH và người Neanderthal, sau khi chiều sâu niên đại của chúng đã được công nhận rộng rãi.[26]:110 Năm 1869, Lartet đã đề xuất đặt danh pháp "H. s. fossilis" cho các di cốt Cro-Magnon.[23] Một số cận chủng ví dụ khác của 'chủng Cro-Magnon' bao gồm: "H. pre-aethiopicus" cho một mẫu sọ ở Dordogne có "nét Ethiopic"; "H. predmosti" hay "H. predmostensis" cho một loạt các sọ tìm thấy ở Brno, Cộng hòa Czech, được cho là dạng quá độ giữa người Neanderthal và EEMH;[28]:110–111 H. mentonensis cho một mẫu sọ ở Menton, Pháp;[28]:88 "H. grimaldensis" cho người Grimaldi và các bộ cốt gần Grimaldi, Monaco;[28]:55 và "H. aurignacensis" hay "H. a. hauseri" cho mẫu sọ Combe-Capelle.[28]:15

Các 'chủng tộc hóa thạch' này, kèm theo các ý tưởng của Ernst Haeckel về sự tồn tại của các chủng tộc lạc hậu chưa đạt đến độ chín muồi văn minh (còn gọi là chủ nghĩa Darwin xã hội), đã gieo rắc vào tâm thức người Châu Âu bấy giờ cái quan điểm cho rằng: người da trắng văn minh tiến hóa từ tổ tiên vượn nhân nguyên thủy ngu đần thông qua một loạt các chủng tộc man dã trung gian. Hồi đó, đường gờ lông mày nổi bật được cho là tính trạng giống vượn, do vậy nên người Neanderthal (kể cả thổ dân Úc) bị coi là chủng tộc thấp kém.[26]:116 Những hóa thạch ở Châu Âu lúc ấy được xem như là những tổ tiên của các chủng Châu Âu sinh tồn.[26]:96 Một trong những nỗ lực sớm nhất nhằm phân loại người EEMH đã được thực hiện bởi hai nhà nhân chủng học Joseph DenikerWilliam Z. Ripley vào năm 1900. Hai ông nhận xét EEMH là những người tiền-Arya cao ráo và thông minh, thượng đẳng hơn các chủng khác, phát tích từ vùng Scandinavia và Đức. Học thuyết chủng tộc về sau xoay quanh các chủng tộc (cận loài) thượng đẳng, tóc vàng hơn, da trắng hơn, tiến hóa ở Trung Âu và phát tán theo các làn sóng thay thế tổ tiên da tối màu, cô đọng ở "chủng Bắc Âu". Những khẳng định kiểu này cộng hưởng với chủ nghĩa duy Bắc Âuchủ nghĩa Toàn Đức (tức là, chủng Arya thượng đẳng), nổi tiếng ngay trước Thế chiến I, về sau được Đức Quốc xã sử dụng để hợp thức hóa cuộc chinh phục Châu Âu và tính thượng đẳng của dân tộc Đức trong Thế chiến II.[26]:203–205 Vóc dáng là một trong các đặc điểm dùng để nhận dạng cận chủng, vậy nên các mẫu EEMH cao lớn ở các di chỉ Cro-Magnon, Paviland, và Grimaldi của Pháp được cho là tổ tiên của "chủng Bắc Âu", và các mẫu nhỏ nhắn hơn ở Combe-Capelle và Chancelade (cũng từ Pháp) được coi là tiền thân của "chủng Địa Trung Hải" hay "chủng Eskimoid".[29] Các bức tượng Vệ Nữ — khắc họa những người phụ nữ mang thai với bầu vú và hông phồng to lên — được dùng làm bằng chứng chỉ tới sự hiện diện của "chủng Negroid" ở Châu Âu thời đá cũ, bởi vì chúng được diễn giải là hình tượng phụ nữ mắc chứng mông nhiều mỡ (thường thấy ở phụ nữ tộc San của Nam Phi) và kiểu tóc ở một số bức cũng trông giống tóc của Ai Cập cổ đại.[30] Tới những năm 1940, phong trào thực chứng chủ nghĩa — chủ trương đấu tranh loại bỏ chủ quan văn hóa-chính trị khỏi khách quan khoa học, vốn đã bắt đầu từ khoảng một thế kỷ trước — trở nên thời thượng trong giới nhân chủng học Châu Âu. Chính vì điều này và mối liên hệ của thuyết chủng tộc với chủ nghĩa Đức Quốc xã, nghiên cứu chủng tộc đã rơi vào quên lãng.[26]:137

Các bức tranh lịch sử tái họa cảnh sinh hoạt của người cổ
Cảnh người Magdalen tô điểm vách hang Font-de-Gaume ở Pháp; vẽ bởi Charles R. Knight (1920)
Bức tranh lí tưởng từ thời đồ đá bởi Hugo Darnaut (1885)
Thời đại đồ đá bởi Viktor Vasnetsov (1882–1885)
Yến tiệc bởi Viktor Vasnetsov (1883)